Muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp phải có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức, người nông dân phải được tri thức hóa. “Tri thức hóa nông dân” trong hoạt động khuyến nông được thực hiện qua các hoạt động như thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để lan tỏa tri thức, kỹ năng giúp người nông dân nâng cao trình độ, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, tiếp cận và làm chủ khoa học và công nghệ để trở thành những nông dân chuyên nghiệp.
Đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông tỉnh Đắk Lắk không ngừng được củng cố và hoạt động có hiệu quả đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nhiệp của tỉnh. Ngay từ ngày đầu mới thành lập năm 1993 chỉ có Trung tâm Khuyến nông tỉnh với 05 cán bộ, đến nay hệ thống khuyến nông gồm Trung tâm khuyến nông Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh có 42 cán bộ, 15 Trạm Khuyến nông cấp huyện có 67 cán bộ, mạng lưới khuyến nông viên cấp xã có 208 người và cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn có 2.096 người. Đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. các hoạt động khuyến nông thể hiện đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, đến với nhiều vùng, nhiều đối tượng, đã tạo ra các chuyển biến lớn về năng suất, chất lượng; được các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh ghi nhận đánh giá cao tính hiệu quả của các chương trình khuyến nông.
- Xác định công tác huấn luyện đào tạo và thông tin tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hoạt động khuyến nông. Trong những năm qua, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh đã quan tâm đầu tư cả về xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí và nguồn nhân lực, nhờ đó công tác này có bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk đã tổ chức đào tạo được 381 lớp cho 11.265 lượt cán bộ khuyến nông, Thú y, BVTV, hội viên các Hội: nông dân, làm vườn, cựu chiến binh, Dân tộc thiểu số, Đoàn thanh niên, Phụ nữ… Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông Đắk Lắk đã tập huấn kỹ thuật được 9.925 lớp cho 367.843 lượt nông dân tham gia, trong đó vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chiếm tỷ lệ 40%. Phương pháp đào tạo luôn được đổi mới, vận dụng linh hoạt phù hợp với từng nội dung và đối tượng, có sự tham gia của học viên, lấy học viên làm trung tâm, lý thuyết gắn với thực hành, vừa học trên lớp vừa học ở hiện trường. Nhờ vậy, chất lượng công tác huấn luyện đào tạo ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực công tác của cán bộ khuyến nông, trình độ nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Công tác hội thảo tham quan chính là phương pháp quảng bá những kết quả trình diễn mô hình tiến bộ kỹ thuật của hộ nông dân cho cộng đồng nông dân địa phương, thông qua mô hình trình diễn, cộng đồng nông dân được mắt thấy, tay sờ, tai nghe chính chủ hộ nói về quá trình thực hiện mô hình của mình. Tác dụng nhân rộng tiến bộ kỹ thuật qua công tác hội thảo mô hình rất nhanh. Phong trào sử dụng giống mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi lan rộng nhanh chóng. Đây cũng là một biện pháp khuyến nông lấy “Nông dân dạy cho nông dân”. Trong 30 năm, hệ thống khuyến nông đã tổ chức được 3.645 cuộc cho 121.611 lượt nông dân tham gia, trong đó vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chiếm tỷ lệ 68% (82.695 lượt người). Qua đó, người dân được thảo luận, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau, đồng thời còn là hình thức quảng bá những kết quả trình diễn mô hình mang lại hiệu quả cao và góp phần nhân rộng tiến bộ kỹ thuật.
Nhiệm vụ dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là giải pháp tác động quan trọng giúp cho nông dân có được những kiến thức và kỹ năng nuôi trồng cơ bản, giúp cho họ có việc làm, ổn định cuộc sống gia đình và hướng dẫn cho những người thân xung quanh làm theo, góp phần chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tốt hơn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chủ động vượt khó, đến nay Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức thực hiện được 16 lớp sơ cấp nghề cho 437 học viên tham gia, trong đó có 254 lao động nữ và 380 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (gồm các nghề: Chăn nuôi heo, chăn nuôi trâu, bò; trồng và chăm sóc cây cà phê, cây hồ tiêu).
Công tác thông tin tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh với các nội dung hoạt động: Hàng trăm số Bản tin khuyến nông với 48.860 quyển; in và cấp phát trên 2,3 triệu tờ rơi kỹ thuật; đưa được 4.691 tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử khuyến nông Đắk Lắk, tính đến nay đã thu hút được hơn 4 triệu lượt truy cập; thiết lập đường dây hỏi đáp và trả lời trực tuyến về khuyến nông qua tổng đài 1080. Thông tin kết quả áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những mô hình trình diễn đạt năng suất cao, chất lượng tốt, những mô hình chuyển đổi thành công đem lại hiệu quả rõ rệt cho nông dân. Đặc biệt, Trung tâm đã in tài liệu bướm bằng tiếng Êđê phục vụ cho bà con dân tộc thiểu số tại chỗ rất có hiệu quả. Từ cuối năm 2002 Trung Tâm Khuyến nông phát hành “Bản tin Nông nghiệp & Thị trường” 2 số/ tháng, phản ánh nhanh những hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đồng thời cung cấp thông tin cho nông dân về biến động giá cả thị trường một số loại nông sản chính trên địa bàn tỉnh.
- Nổi bật trong hoạt động khuyến nông là triển khai các chương trình, dự án khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn luôn bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường, định hướng của ngành. Đây là phương pháp cho nông dân học tập thực tế, có tính thuyết phục cao, người nông dân trực tiếp làm theo hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông, khi người nông dân tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới khi triển khai mô hình, thông qua mô hình được mắt thấy, tay sờ, tai nghe, từ đó họ tin tưởng và quyết định lựa chọn làm theo. Trung tâm đã triển khai 37 chương trình khuyến nông, tổng số điểm trình diễn đã thực hiện được 14.625 điểm trình diễn với 50.333 hộ nông dân tham gia, số mô hình thực hiện vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn chiếm tỷ lệ gần 70%. Ngoài ra, còn tham gia thực hiện các chương trình, dự án như: Dự án Hỗ trợ và quản lý nguồn nước DANIDA; Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp; Chương trình Heifer; Chương trình cải tạo đàn bò bằng bò đực Zê bu và thụ tinh nhân tạo; Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại nông hộ; Dự án Khí sinh học Biogas; Dự án Hợp phần Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững (SUDA); Dự án hợp phần B và một phần hợp phần C thuộc Dự án phát triển cao su tiểu điền; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT); Chương trình Phát triển cà phê bền vững - Hợp tác công tư PPP; Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; Dự án hỗ trợ Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột; Chương trình sản xuất, cung ứng cây giống phục vụ tái canh cà phê.
Hỗ trợ giống, vật tư cho bà con nông dân tham gia mô hình
Ông Vũ Ngọc Lân ở 152/3 Trần Quý Cáp, phường Tự An, TP. BMT cho biết: “Gia đình tôi nuôi lợn 10 năm nay, thường xuyên bị bà con trong tổ dân phố phàn nàn về mùi hôi mặc dù hàng ngày xịt rửa chuồng trại sạch sẽ. Từ khi áp dụng đệm lót sinh học, gia đình tôi cũng như hàng xóm không còn ngửi thấy mùi hôi; lợn khỏe mạnh, ít bị bệnh, chuồng trại luôn khô ráo, thấy đỡ vất vả hơn trước…”.
Các chương trình, dự án, mô hình trình diễn được xây dựng theo hướng tập trung, có trọng điểm, không dàn trải, không manh mún nên thuận lợi trong công tác chỉ đạo thực hiện cũng như hiệu quả nhân rộng, bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng sản xuất của địa phương, tập trung vào các chương trình trọng điểm: Chương trình an ninh lương thực, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp... Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao cả về mặt kinh tế và xã hội, điển hình như: Mô hình sản xuất ngô lai đến nay ngô lai đạt trên 95% trong tổng diện tích ngô của tỉnh, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao được nhân rộng đến nay đạt 20 - 21% trong tổng diện tích lúa của tỉnh, mô hình cải tạo đàn bò thịt bằng thụ tinh nhân tạo và bò đực Zê bu được nhân rộng nay tỷ lệ bò lai trên địa bàn toàn tỉnh chiếm trên 30%...
Là địa phương đi đầu trong công tác thụ tinh nhân tạo cho bò, ông Nguyễn Văn Kiên (Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar) chia sẻ: “Trên địa bàn huyện Ea Kar đã hình thành nhiều câu lạc bộ vỗ béo bò thịt nhưng hiện nay đang có xu hướng phát triển một số điểm vỗ béo bò siêu thịt chất lượng cao. Đây là chương trình rất nổi bật nhưng công tác đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền chưa cao, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cho bò ưu tiên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền và khuyến cáo cho bà con về phương pháp thụ tinh nhân tạo với các giống bò siêu thịt có chất lượng cao”.
Đàn bò lai từ Chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT
Giải pháp để “tri thức hóa nông dân” trong thời kỳ mới
Muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp phải có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức, người nông dân phải được tri thức hóa. Muốn tri thức hóa, nông dân phải thông qua nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp để “tri thức hóa nông dân” và xây dựng “nông dân chuyên nghiệp” như sau:
- Tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cho các nhóm đối tượng về vai trò nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới, những định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn trên thế giới, những thay đổi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Xây dựng tài liệu và chương trình truyên truyền cho các đối tượng chính.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, máy móc, công nghệ tiên tiến. Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác. Khuyến khích, có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.Nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ muốn khởi nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”. Hỗ trợ đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Xây dựng chương trình, tổ chức các lớp đào tạo miễn phí nhằm nâng cao trình độ cho nông dân về an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý…
- Phát triển các tổ chức của nông dân, người lao động để bảo vệ quyền lợi cơ bản và hỗ trợ hiệu quả người lao động trong công tác đào tạo kỹ năng gắn với thị trường, trang bị bằng cấp.
Năm 2023 là năm triển khai chủ trương tri thức hoá nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp được Bộ trưởng Lê Minh Hoan xác định là một trong
chín nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp năm 2023
- Phân cấp hoạt động khuyến nông cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khuyến nông.
- Hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân (xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền thương hiệu…)
- Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp, hình thành cơ chế tư vấn, đối thoại chính sách thường xuyên, chính thức giữa đội ngũ chuyên gia, đại diện nông dân và doanh nghiệp với các cơ quan quản lý ngành.
- Giao chủ động cho các hợp tác xã, tổ chức nông dân, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp tham gia đề xuất, yêu cầu, xây dụng nội dung đào tạo kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề phi nông nghiệp, các kỹ năng kinh tế số, công nghệ mới, kỹ năng quản lý kinh tế, xúc tiến thương mại, bảo vệ sản xuất… theo sát yêu cầu thực té gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng chương trình đào tạo “nông dân chuyên nghiệp”.