Trang chủ Biến đổi Khí hậu Bạc Liêu: Nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu

Bạc Liêu: Nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu

0
2

Diện tích nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu hiện nay là 134.858 ha, đứng thứ 2 trong cả nước, chỉ sau tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu hiện đang đứng trước những khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Hạn hán, triều cường dân cao, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.

Để ứng phó, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng những mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh

Mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh có diện tích nuôi hơn 19.000 ha trên 2 đối tượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hình thức gồm nuôi mật độ thưa, nuôi xen ghép cá rô phi, cá đối trong ao tôm, ương san, thả nuôi cuốn chiếu (không thả giống đồng loạt).

Với tôm sú thời gian nuôi thường kéo dài từ 5 – 6 tháng. Mật độ thả: 20 - 30 con/m2. Năng suất thu hoạch trung bình đạt 3,0 – 3,5 tấn/ha. Năm 2016, mỗi ha người nuôi có lợi nhuận từ 190 triệu đến 287 triệu đồng, cá biệt có hộ đạt năng suất 6 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng.

Với tôm thẻ chân trắng thời gian nuôi ngắn từ 3 – 3,5 tháng. Mật độ thả dày hơn tôm sú từ 50 – 100 con/m2. Năng suất thu hoạch trung bình đạt 6 - 10 tấn/ha. Năm 2016 lợi nhuận người nuôi thu được từ 400 - 600 triệu đồng/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt năng suất cao trên 10 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt 500 – 600 triệu/ha.

 Ông Lâm Văn Linh ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu được xem là một trong những hộ nuôi tôm theo mô hình thâm canh thành công. Theo ông nghề nuôi tôm hiện nay luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Muốn nuôi tôm thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là cách phòng ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi.

Mô hình tôm - lúa

Mô hình tôm - lúa là mô hình đã được nông dân Bạc Liêu áp dụng từ hơn 20 năm nay và được các nhà khoa học xác định là mô hình thích ứng khá tốt với biến đổi khí hậu. Hiện nay tỉnh Bạc Liêu đang thực hiện mô hình này trên 2 đối tượng là tôm càng xanh xen lúa và luân canh tôm sú – lúa.

Mô hình nuôi tôm càng xanh – lúa hơn 10.000 ha, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc quốc lộ 1A của tỉnh. Trong quá trình nuôi tùy theo từng vụ mà người nuôi kết hợp vừa thả tôm càng xanh, vừa thả tôm sú. Vụ nuôi từ tháng 1 – 4 thả tôm sú, tháng 9 sạ lúa kết hợp thả tôm càng xanh. Thời điểm thu hoạch tôm sú mỗi năm 2 vụ, vào tháng 4 và tháng 8; thu hoạch lúa vào tháng 1 năm sau; thu hoạch tôm càng xanh vào tháng 2, tháng 3 năm sau. Tổng thu từ 80 – 90 triệu/ha, lợi nhuận 50 – 60 triệu/ha/vụ.

Mô hình tôm sú – lúa, có diện tích sản xuất 31.328 ha, năng suất trung bình đạt 260 kg/ha, hình thức nuôi vụ tôm chủ yếu là thu tỉa thả bù, vụ tôm thả từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 1,5 tháng, mật độ tổng thả từ 2-3 con/m2. Các loại giống lúa sử dụng chủ yếu là OM 2517; OM 6677; OM 4900; AS 996, Một bụi đỏ, BTE 1. Năng suất lúa trung bình đạt 4-4,5 tấn/ha. Tổng thu từ 70 triệu – 100 triệu đồng/ha/vụ. Lợi nhuận của mô hình đạt khoảng 30 – 45 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Nguyễn Văn Quýt ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long từ nhiều năm nay áp dụng mô hình tôm – lúa trên diện tích 3 ha đất của gia đình, mỗi năm có thu nhập ổn định khảng 300 triệu đồng. Vụ tôm sú ông không cấy lúa, còn vụ lúa ông kết hợp thả tôm càng xanh.

Có thể nói mô hình tôm - lúa là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, phù hợp với khả năng sản xuất của đa số các hộ nông dân trong vùng và có khá nhiều hộ nuôi theo mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro. Khi nuôi tôm đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, khi trồng lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt với giống lúa thơm, lúa chất lượng cao do sau mỗi vụ tôm chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa đất được cải tạo, môi trường thuận lợi thả tôm mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh.

Mô hình nuôi siêu thâm canh công nghệ cao

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính mới được tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện trong những năm gần đây. Tiêu biểu là mô hình của Công ty cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với qui mô diện tích 50 ha được công ty đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thiện, khu nuôi được bao bọc bởi hệ thống nhà kính kiên cố, kiểm soát được môi trường không khí, thời tiết. Các thông số môi trường ao nuôi, khâu cho ăn, sức khỏe tôm được kiểm soát tự động qua hệ thống phần mềm máy tính, khi có biến động thì đưa ra những cảnh báo để kịp thời xử lý. Năng suất đạt 50 đến 80 tấn/ha/vụ, tương đương 120 đến 150 tấn/ha/năm, đã tạo nên bước đột phá cho nghề nuôi tôm. Ưu điểm của mô hình này là không chỉ làm thay đổi cách nuôi truyền thống, cho sản lượng tăng thêm từ 10 đến 15 lần, mà còn mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm. Hiện tập đoàn Việt Úc đang nhân rộng công nghệ nuôi này bằng cách chuyển giao cho các hộ nông dân nuôi tôm với quy mô nhỏ.

Cũng nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh, Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh tại xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu thành công với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ Biofloc: công nghệ điều chỉnh cân bằng tỷ lệ các-bon và nitơ. Mô hình này có thể nuôi 3 - 4 vụ tôm/năm, sản lượng lên đến 150 tấn/ha/năm. Ưu điểm của mô hình là giảm được chi phí, rủi ro, ô nhiễm môi trường; giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, an toàn về dịch bệnh, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm vì không sử dụng kháng sinh và hóa chất mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học. Mô hình nuôi tôm này giúp môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm và giảm đến mức thấp nhất rủi ro, con tôm lớn nhanh và chất lượng tốt, giúp giảm nhiều chi phí đầu tư khác trong nuôi tôm, giúp nông dân tăng lợi nhuận. Đồng thời giúp người nuôi tiết kiệm được nguồn nước nuôi tôm và tái sử dụng nguồn nước do quy trình sản xuất khép kín.

Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại công ty Trúc Anh

 

Với mục tiêu hướng tới trở thành thủ phủ tôm của cả nước, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, Bạc Liêu đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Tỉnh đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, Bạc Liêu sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ về điện, đường giao thông, cấp thoát nước, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất con giống tập trung để thu hút doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển./.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu