(CDC) – Các doanh nghiệp đã, đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, quy mô sản xuất, nguồn vốn, trình độ quản lý, chất lượng lao động… của doanh nghiệp còn yếu, trở thành “rào cản” để phát triển.
Nhiều đóng góp quan trọng
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính đến hết tháng 4/2021, Đắk Nông có trên 5.800 doanh nghiệp được thành lập, với tổng số vốn đăng ký hơn 55.000 tỷ đồng. Trong số này, có 66,76% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 27,17% lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; còn lại là lĩnh vực khác.
Nhiều đóng góp quan trọng
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính đến hết tháng 4/2021, Đắk Nông có trên 5.800 doanh nghiệp được thành lập, với tổng số vốn đăng ký hơn 55.000 tỷ đồng. Trong số này, có 66,76% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 27,17% lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; còn lại là lĩnh vực khác.
Công nhân phân loại hạt điều tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R‘lấp). (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách địa phương. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp đóng góp số thu ngân sách của tỉnh trên 5.941 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng.
Đến nay, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó, có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh không ngừng tăng lên. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu Đắk Nông đạt hơn 654 triệu USD đến năm 2020 tăng lên 1 tỷ USD, tăng bình quân 11,2%/năm.
Về lĩnh vực giải quyết việc làm, tính đến hết tháng 4/2021, các doanh nghiệp tạo được 20.660 việc làm cho người lao động. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu với tỷ lệ trên 69%. Bình quân mỗi năm, khối doanh nghiệp tạo việc làm cho từ 1.500 - 2.000 lao động.
Những khó khăn, trở ngại
Không thể phủ nhận cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế phát triển hiện nay, đội ngũ doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong tổng số 5.800 doanh nghiệp được thành lập, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 68,16%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,36%; còn lại là doanh nghiệp vừa. Hầu hết, đội ngũ làm chủ, quản lý doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức quản trị, kỹ năng, kinh nghiệm. Toàn tỉnh có 65% chủ doanh nghiệp có học vấn từ trung cấp trở xuống.
Việc quản trị doanh nghiệp vẫn theo mô hình gia đình, lạc hậu, thiếu hiệu quả. Điều này thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công tác quản lý nhân sự, tài chính, chất lượng hàng hóa…
Cùng với bất cập trong trình độ quản lý, việc ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng bàn. Hiện nay, hầu hết máy móc, quy trình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp còn lạc hậu, thiếu hiệu quả, lãng phí tài nguyên, dẫn đến giá trị hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.
Chưa kể, năng lực tiếp cận các chính sách pháp luật của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chưa kịp thời, quá trình tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng còn thấp. Trong khi, nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp không nhiều, dẫn đến bị động về nguồn tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính đến hết tháng 3/2021, toàn tỉnh có trên 650 doanh nghiệp được vay vốn tại các ngân hàng, chiếm trên 15% doanh nghiệp đăng ký thành lập. Dư nợ toàn ngành ngân hàng cho khối doanh nghiệp là 4.200 tỷ đồng, chiếm trên 14% tổng dư nợ toàn ngành kinh tế. |
Cần thêm nhiều “trợ lực”
Ngoài những hạn chế nội tại ở các doanh nghiệp, những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng hết kỳ vọng. Để doanh nghiệp phát triển, vươn ra “biển lớn”, vẫn cần nhiều hơn những “trợ lực” mang tính lâu dài, bền vững.
Công nhân Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF Bison (Đắk Song) kiểm tra lịch trình làm việc
Ông Dương Hội, Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF Bison (Đắk Song) chia sẻ: “Trước hết, biện pháp hỗ trợ mà doanh nghiệp cần là sự đồng bộ của các sở, ngành trong thực hiện cải cách hành chính. Làm sao để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đi đến kết quả cuối cùng. Tránh tình trạng các sở, ngành đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát (Đắk R’lấp) cho biết: “Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện tiếp cận tài chính. Có vốn quay vòng sản xuất với kỳ hạn vừa đủ mới giúp doanh nghiệp có thời gian vực dậy sau mỗi khó khăn. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ những khó khăn trong việc tạo mặt bằng sản xuất, đẩy mạnh đào tạo việc làm, đổi mới công nghệ, máy móc… cần phải được chính quyền quan tâm, tháo gỡ cho doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, một điều cần nhìn nhận rằng, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong quá trình hoạt động.
Nguồn: Báo Đắk Nông điện tử