Trang chủ Tăng trưởng xanh Xây dựng tiêu chí đánh giá tăng trưởng xanh

Xây dựng tiêu chí đánh giá tăng trưởng xanh

0
46

Tăng trưởng xanh được coi là con đường phù hợp nhất để phát triển bền vững mà nhiều nước trên thế giới đang theo đuổi. (Ảnh: Hoàng Minh)
Tại Việt Nam, bước đầu tiếp cận đến khái niệm đo lường tăng trưởng kinh tế xanh thông qua xây dựng khung đo lường GDP xanh, chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên (hệ số sử dụng năng lượng/GDP, hoặc hệ số sử dụng nước/GDP) dựa trên Khung đo lường tăng trưởng kinh tế xanh của OECD và nhiệm vụ chiến lược của “Chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh”:
Theo đó, đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm; Giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; Áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP; Tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định là 60%, với đô thị loại IV, loại V và các làng nghề là 40%, tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa 35 - 45%, tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%.
Một số chỉ tiêu cốt lõi có thể được sử dụng trong quá trình đánh giá, giám sát thực hiện tăng trưởng kinh tế xanh bao gồm: Tỷ lệ phát thải khí nhà kính trên GDP; Mức tiêu hao năng lượng trên GDP; Tỷ lệ nghiên cứu và phát triển “xanh” trên tổng mức chi tiêu nghiên cứu và phát triển của Chính phủ; Tỷ trọng GDP dành riêng cho chi tiêu nghiên cứu và phát triển; Doanh thu ngành công nghiệp môi trường; Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành công nghiệp năng lượng mới và tái tạo; Tỷ lệ cây xanh đô thị bình quân trên đầu người; Tỷ trọng của vận tải hành khách công cộng; Tỷ trọng GDP dành riêng cho chi phí bảo vệ môi trường; Tỷ lệ các đô thị xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (%).
Hiện nay, trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bên cạnh những chỉ tiêu đã hình thành sẵn như: GDP xanh, tỷ lệ các đô thị xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn, ta có thể lấy số liệu từ các danh mục để xây dựng, tính toán các chỉ tiêu mới: chi cho hoạt động khoa học và công nghệ; chi đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; chi cho hoạt động bảo vệ môi trường; lượng khí thải hiệu ứng nhà kính bình quân đầu người.
Tuy vậy, nguồn số liệu vẫn rời rạc, chưa được thống kê một cách có hệ thống để có thể đưa ra những đánh giá tổng quan cho tình hình tăng trưởng kinh tế xanh. Mặc dù, trong Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam dự định giới thiệu chỉ tiêu “GDP xanh” trong hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên toàn quốc từ năm 2014, nhưng cho đến nay, đây vẫn còn là một chủ đề mới ở Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng phương pháp tính toán các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh, Việt Nam cần hạch toán được các tài khoản “xanh” gắn kết với các tài khoản kinh tế quốc gia.
Theo đó, bước đầu tập trung vào các tài khoản mà thông tin đầu vào có sẵn hoặc thu thập được trong tương lai. Hệ thống thống kê của Việt Nam hiện nay có thể cung cấp thông tin đầu vào cơ bản cho một số tài khoản xanh như tài nguyên khoáng sản, tài khoản CO2 và tài khoản chi tiêu công cho môi trường, mặc dù, thông tin có thể còn phân bố rải rác và chưa thống nhất.
Cần xây dựng các tài khoản mà phương pháp luận tính toán đã rõ ràng và thống nhất. Theo Sổ tay hướng dẫn SEEA của Liên Hợp Quốc cũng như kinh nghiệm của nhiều nước, việc tiếp cận xây dựng các tài khoản xanh gắn kết vào hệ thống tài khoản quốc gia là rõ ràng nhưng cũng có một vài vấn đề với phương pháp tính toán và việc áp dụng trong thực tế. Trong một vài trường hợp, nó được dựa trên một số giả định trừu tượng. Đối với Việt Nam, những tài khoản đã có phương pháp tính toán rõ ràng nên được lựa chọn để tránh thảo luận không cần thiết về sau. Các tài khoản xanh được lựa chọn nên được xây dựng ở cả hai dạng hiện vật và giá trị.
PV (Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường)