Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo sẽ vượt qua quả dứa và xoài để trở thành trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn. Nhận định trên dựa trên những lợi ích về sức khỏe con người mà trái bơ mang lại. Theo nghiên cứu, trái bơ có nguồn dinh dưỡng tuyệt với để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho con người, đặc biệt đối với bệnh cúm.
Tại Việt Nam, có nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm, do đó mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Theo đánh giá của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, trồng bơ đến năm thứ 5 là có khả năng thu hoạch khoảng từ 25 - 30 tấn quả/vụ/ha.
Hiện quả bơ được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Kum). Ngoài ra, bơ cũng được trồng thử nghiệm ở một số tỉnh phía Bắc (tỉnh Sơn La), bước đầu cho kết quả khả quan. Theo nghiên cứu, bơ Việt Nam khá tương đồng về cả chất lượng và sản lượng so với các nước xuất khẩu bơ lớn trên thế giới. Do đó, bơ Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với bơ các nước xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Đắk Nông – thủ phủ bơ của cả nước, hướng đến phát triển cây bơ bền vững
Điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Đắk Nông thuận lợi để phát triển cây bơ. Hiện diện tích trồng bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông 4.700 ha, chiếm gần 26,7% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Cây bơ được trồng chủ yếu tại các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa.
Nhờ chủng loại đa dạng nên bơ Đắk Nông cho trái gần như quanh năm, từ tháng 1 đến tháng 11. Quả bơ Đắk Nông cho trái to, dẻo, màu vàng sậm, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ lợi nhuận kinh tế mang lại, cây bơ trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Hình ảnh quả bơ của tỉnh Đắk Nông
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thuận lợi để phát triển nhiều giống bơ cho năng suất cao như: bơ 34, bơ 36, bơ booth, bơ hass reed, bơ sáp da xanh, bơ sáp vàng, bơ Cu Ba, bơ Tứ quý, Trịnh Mười … Trong đó, hai loại được trồng phổ biến hơn bao gồm: giống bơ Booth và giống bơ 034. Diện tích trồng giống bơ Booth chiếm khoảng 33,2% diện tích toàn tỉnh. Đây là giống cho năng suất cao ổn định nên được người dân ưa chuộng, đặc biệt phần vỏ dày, chất lượng thịt cao, hạt khít vào thịt, thời gian chín kéo dài phù hợp với tiêu chí bảo quản vận chuyển và xuất khẩu. Còn giống bơ 034 cũng đang được người dân ưa chuộng và trồng nhiều với tỷ lệ khoảng 30% diện tích vì đây là giống cho năng suất cao, dễ thích nghi, chất lượng ngon và có thể bảo quản được lâu.
Để bảo đảm nguồn cung bơ có chất lượng ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương đã định hướng và quy hoạch vùng trồng bơ chuyên canh và giảm dần diện tích trồng xen canh, tự phát trong rẫy. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã làm việc với các hộ có hơn 700 ha trồng chuyên canh, hướng đến trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu.
Hiện có 04 đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang còn hiệu lực với tổng diện tích 32,7 ha; ngoài ra còn hơn 20 tổ chức, cá nhân khác đang chờ được cấp chứng nhận này.
Trái bơ hiện nay chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại thị trường nội địa (80%) và được phân phối qua các chợ truyền thống, còn các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp còn ít. Trong khi đó, phân khúc chế biến từ trái bơ còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đồng thời, trái bơ và sản phẩm chế biến từ bơ của tỉnh chưa tạo dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường, dẫn đến đầu ra sản phẩm chưa ổn định.
Để khắc phục tình trạng trên, cần tăng cường liên kết dọc giữa người trồng với nhau, thành lập các nhóm, hợp tác xã sản xuất, hiệp hội trồng bơ địa phương. Tăng cường liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp hoạt động trong ngành bơ, khuyến khích hình thức sản xuất qua hợp đồng, sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ cho việc hình thành chuỗi liên kết.
Để ngành bơ Đắk Nông phát triển bền vững không phụ thuộc vào yếu tố thị trường, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: (1) Tập trung xây dựng vùng trồng bơ chất lượng cao; (2) Khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến, đăng ký chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, chế biến quả bơ để gia tăng giá trị kinh tế cho loại cây ăn quả này; (3) Đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.
Tình hình trồng bơ tại Lâm Đồng
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Lâm Đồng rất thuận lợi cho việc phát triển cây bơ. Theo số liệu thống kê của tỉnh Lâm Đồng, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh đạt 3.851 ha, năng suất bình quân 151,3 tạ/ha, sản lượng 58.262 tấn. Hiện cây bơ trồng tập trung chủ yếu tại thành phố Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông.
Chủng loại bơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khá đa dạng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tỉnh Lâm Đồng có có loại bơ như: BLĐ 034, BLĐ 036 và một số giống nhập nội như bơ Booth 7, Pinkerton đang được trồng phổ biến. Đây là những giống chất lượng cao và được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài ra, một số giống bơ khác như Hass, Reed, BLĐ 005, BLĐ 007, BLĐ 012, BLĐ 018,… nhưng với diện tích nhỏ.
Trái bơ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ vậy đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Do đó, người dân có xu hướng mở rộng diện tích trồng bơ, nhất là những dòng bơ chất lượng cao hoặc ra quả trái vụ...
Định hướng phát triển trái bơ trong thời gian tới
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ trái bơ trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, ngành sản xuất bơ các tỉnh khu vực Tây Nguyên hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu loại quả này.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu tiêu thụ bơ tại Mỹ là rất lớn và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong thời gian tới. Hiện hầu hết quả bơ tại Mỹ được tiêu thụ qua kênh các siêu thị lớn, với khối lượng lớn, do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao: Các công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối; các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng. Do quả bơ là một loại trái cây dùng để ăn liền, nên doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với quả bơ. Hiện ngành bơ Việt Nam đã xuất khẩu thành công một số lô hàng vào các thị trường thành viên EU như Pháp, Tây Ban Nha…, đơn giá xuất khẩu 5,4 USD/kg. Điều này mở ra triển vọng xuất khẩu cho ngành bơ Việt Nam nói chung, bơ khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Để trái bơ Việt Nam thâm nhập sâu và rộng hơn tại các thị trường có giá trị cao, ngành bơ cần nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo ổn định nguồn cung bơ chất lượng cao. Để làm được điều đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng trồng, người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, Việt Nam cần tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng, năng suất cao, đặc biệt có chiến lược quảng bá tiếp thị hiệu quả.
Nguồn: VITIC tổng hợp