Trang chủ Nhà tài trợ Tổ Chức CARE Việt Nam

Tổ Chức CARE Việt Nam

0
1369
Tổ chức CARE được thành lập từ năm 1945 và hiện nay đang hoạt động tại 90 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, tổ chức CARE Quốc tế đã hoạt động trong giai đoạn 1954-1975 chủ yếu là hỗ trợ trong việc cung cấp thực phẩm, y tế và giáo dục. Sau đó tổ chức CARE đã hoạt động trở lại tại Việt Nam từ năm 1989 đến nay. Tính trong khoảng thời gian trên 25 năm hoạt động trở lại này, tổ chức CARE đã làm việc với trên 50 đối tác tại hơn 40 tỉnh và thành phố. Hàng triệu người đã được hưởng lợi từ các dự án phát triển nông thôn, nông nghiệp và sinh kế, phát triển cộng đồng, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản, phòng chống HIVAIDS, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ khẩn cấp, nước sạch, vệ sinh môi trường và bình đẳng giới. Riêng về bình đẳng giới, trong Chiến lược chương trình tới năm 2020 của CARE Quốc tế tại Việt Nam, các lĩnh vực trọng tâm sẽ là: Tăng cường tiếng nói của phụ nữ, nâng quyền của phụ nữ trong phát triển kinh tế và chấm dứt bạo hành trên cơ sở giới. Nhằm tăng cường tiếng nói của phụ nữ, tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam sẽ xây dựng phương pháp tiếp cận để nâng cao tiếng nói và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, những người dễ bị tổn thương, hỗ trợ phát triển xã hội dân sự và các tổ chức dựa vào cộng đồng, tăng cường sự tham gia của họ cùng với các nhà chức trách và các nhà ra quyết định. Nâng cao hiểu biết của các bên liên quan về tình trạng dễ bị tổn thương và các vấn đề bất bình đẳng giới nhằm hỗ trợ đối thoại cởi mở và tôn trọng. Việc nâng quyền của phụ nữ trong phát triển kinh tế sẽ được thực hiện thông qua thúc đẩy việc làm bền vững và công bằng; tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận công bằng với quá trình ra quyết định về kinh tế (quyền sử dụng đất, tiếp cận tín dụng và gia nhập thị trường). Trong lĩnh vực nhằm chấm dứt bạo hành trên cơ giới, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam sẽ tăng cường triển khai và kết hợp với các chương trình can thiệp chống bạo hành giới hiện có, tập trung tác động tới thái độ và thực hành của những người gây ra bạo hành giới, cải thiện tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ liên quan tới bạo hành giới.