Hợp tác thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên

Cục BVTV cùng với Diễn đàn cà phê toàn cầu sẽ hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên điều tra, quản lý sinh vật gây hại, sử dụng thuốc BVTV tại vườn cà phê trồng xen.

Chiều 21/6, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp cùng Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) tổ chức Lễ ký kết hợp tác “thực hiện đánh giá tác động của việc trồng xen trong vườn cà phê đến sinh vật gây hại (SVGH) chính và thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có trách nhiệm để phát triển sản xuất cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên (Việt Nam)”.

 
 
 
Dự án sẽ hộ trợ các tỉnh Tây Nguyên điều tra, giám sát, quản lý sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV đối với vườn cà phê trồng xen. Ảnh: Trung Quân.

Dự án sẽ hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên điều tra, giám sát, quản lý sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV đối với vườn cà phê trồng xen. Ảnh: Trung Quân

Chương trình hợp tác lần này là một phần trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thuộc Dự án CAI của GCP. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng vật tư nông nghiệp, hướng tới sản xuất cà phê bền vững tại Việt Nam như điều tra, giám sát, quản lý sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV đối với vườn cà phê trồng xen; nâng cao năng lực quản lý và phòng trừ sinh vật gây hại cho cán bộ kỹ thuật và nông dân trồng cà phê; nâng cao năng lực thanh kiểm tra cho cán bộ ngành BVTV; nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV ở Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, trong thời gian qua, nhờ những biện pháp, quyết định kịp thời và đúng đắn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT sự hợp tác và đóng góp tích cực của các tổ chức quốc tế, tác nhân trong chuỗi cung ứng cà phê thì những vấn đề liên quan đến mức dư lượng thuốc diệt cỏ chứa glyphosate về cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và vấn đề lớn liên quan đến buôn bán và sử dụng thuốc BVTV cần giải quyết như: vẫn có trường hợp nhập lậu thuốc BVTV trong danh mục cấm, mặc dù ngành BVTV đã nỗ lực tăng cường công tác kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV. Vì lợi nhuận, nhiều đơn vị kinh doanh vật tư đầu vào không ngần ngại đưa ra những hướng dẫn sai lệch để khuyến khích nông dân mua và sử dụng càng nhiều hóa chất nông nghiệp càng tốt.

Tập quán trồng xen cà phê với các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mắc ca... ngày càng phổ biến ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Điều này dẫn đến việc nhiễm chéo các loại thuốc BVTV sử dụng để trồng xen cà phê, làm cho việc quản lý MRL trên hạt cà phê rất khó khăn và phức tạp.

Các thị trường xuất khẩu chính của cà phê Việt Nam như châu Âu, Mỹ có yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý mức dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép (MRL) với danh mục chất cấm liên tục được bổ sung.

 
 
 
Hai đơn vị ký thảo thuận hợp tác. Ảnh: Trung Quân.

Hai đơn vị ký thảo thuận hợp tác. Ảnh: Trung Quân

Do đó, việc đảm bảo sử dụng có trách nhiệm các vật tư nông nghiệp đầu vào luôn là một vấn đề phức tạp không thể giải quyết trong một khoảng thời gian ngắn, vì nó kéo theo cả những thay đổi chính sách ở cấp ngành và thay đổi hành vi ở cấp trang trại. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực và hỗ trợ liên tục cũng như việc chứng minh các kết quả trong thực tiễn và quy định của tất cả các bên liên quan chính bao gồm khối công và khối tư.

Trong khuôn khổ đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Cục BVTV với vai trò đại diện cho khối công là đồng chủ trì, thành viên các nhóm đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu, cà phê, chè, hóa chất nông nghiệp. Cục BVTV đã tích cực kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Ông Phạm Quang Trung, Trưởng đại diện GCP Việt Nam chia sẻ, chương trình hợp tác của 2 đơn vị nhằm mục đích điều tra, xác định thành phần SVGH chính và thiên địch trên một số mô hình cà phê trồng xen để đưa ra biện pháp quản lý, giám sát và phòng trừ hiệu quả; điều tra, khảo sát việc sử dụng thuốc BVTV và đánh giá tác động ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc BVTV trên mô hình cà phê trồng xen; rà soát, đối chiếu các hoạt chất thuốc BVTV được phép hoặc cấm/hạn chế sử dụng và đề xuất danh mục hoạt chất BVTV sử dụng an toàn trên các mô hình cà phê trồng xen.

Bên cạnh đó, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ, công chức ngành BVTV làm công tác kiểm tra ở cơ sở; tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại Tây Nguyên; tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân về quản lý, giám sát SVGH và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo IPHM trên vườn cây cà phê trồng xen.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các hợp tác xã, nông dân trồng cà phê về quản lý SVGH và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo IPHM; đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam.

Ngoài ra, đây là cơ sở khoa học để đánh giá việc quản lý, giám sát SVGH và quản lý MRL trên vườn cà phê trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp nhằm mở rộng đàm phán mở cửa thị trường cho một số cây ăn quả chủ lực tại địa phương.

 
 
 
Chương trình hợp tác sẽ kéo dài tới tháng 12/2024. Ảnh: Trung Quân.

Chương trình hợp tác sẽ kéo dài tới tháng 12/2024. Ảnh: Trung Quân 
 

Đối tượng thụ hưởng của dự án là người trồng cà phê, lao động nông nghiệp thuộc các tỉnh khu vực Tây Nguyên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có cán bộ thuộc Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV làm công tác thanh, kiểm tra thuốc BVTV; cán bộ làm công tác BVTV tại cơ sở và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ông Trung cũng kỳ vọng, từ nay đến tháng 12/2024, khi dự án kết thúc, hai bên sẽ triển khai thành công các hoạt động như nghiên cứu; nâng cao năng lực, hiệu quả điều tra và hành động thực tiễn tại các địa phương trong vấn đề quản lý thuốc BVTV nói chung và các thuốc ko có trong danh mục nói riêng.

Nguồn: Trung Quân - Báo Nông nghiệp Việt Nam

Các tin liên quan

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững




Facebook